Hà Nội: Dân lao động vật lộn mưu sinh giữa cái rét căm căm


Hà Nội đang trải qua những ngày lạnh giá nhất từ đầu đông tới giờ. Lẫn trong dòng người hối hả về nhà trốn rét, thì họ - những người lao động nghèo vẫn phải vật lộn với cuộc mưu sinh.

Hà Nội đang ở gần như "đỉnh cao" của giá rét, cái lạnh khủng khiếp, tê tái khiến nhiệt độ ngoài trời xấp xỉ trên dưới 8 độ C. Đi qua cầu Long Biên, người ta sẽ cảm nhận rõ hơn sự khắc nghiệt của thời tiết, khi gió từ sông Hồng tạt lên, táp tới tấp vào mặt, vào lưng người đi đường, như chực xô đẩy xe ngã theo hướng gió.


Vậy mà, ngay giữa cầu, những người bán ngô, khoai nướng, dù rất vất vả chống chọi với cái rét, vẫn cố gắng bám trụ với cuộc mưu sinh. Gió cứ hun hút lùa, người vẫn co ro bên bếp lửa, tay thoăn thoắt lật trở những bắp ngô nóng hổi, thơm ngon. Nhiều người đã nhanh trí che chắn, buộc tạm bạt thành một cái lều chắn gió.

Hầu hết những người bán ngô, khoai nướng trên cầu Long Biên là nông dân ở bãi giữa sông Hồng. Có người từ những tỉnh lân cận đến “nhảy dù”, lâu dần trở thành cư dân ở đây. Cũng có người là “thổ địa”, sống trên các con thuyền lênh đênh sông Hồng hoặc các ngôi nhà giữa bãi bồi. Mùa đông, họ kiếm thêm bằng những mẻ ngô, khoai nướng ngay trên cầu Long Biên.

Nhà ở bãi giữa sông Hồng, người phụ nữ bán ngô, khoai nướng được 4, 5 năm vui vẻ chia sẻ công việc của mình. Cứ đến mùa rét, từ 10 giờ sáng đến 12 giờ đêm, cô lại lỉnh kỉnh bếp, củi, bao tải ngô, khoai lên cầu Long Biên kiếm sống.



Càng rét đậm, ngô nướng bán càng chạy

Cô cho hay, càng rét đậm, ngô nướng bán càng chạy. Nếu chịu khó, mỗi ngày cô có thể bán dăm bảy chục bắp ngô, cũng có đồng ra đồng vào. “Mấy hôm nay rét quá, tôi mặc ba, bốn lớp áo, đi găng, đội mũ cẩn thận mà vẫn thấy buốt. Nghỉ ở nhà thì tiếc, nên rét mấy thì rét, vẫn cố ra đây bán hàng.” – cô nói thêm.

Thời tiết khắc nghiệt của Hà Nội những ngày này cũng làm khổ nhiều người lao động nghèo khác, nhất là những người bán hàng rong.



Rét thì mặc rét, người phụ nữ này vẫn đẩy xe ra đường tìm khách

Bất chấp giá buốt, họ vẫn phải ra đường kiếm sống. Bịt kín mặt mũi như ninja, mặt thật nhiều áo, đốt lửa sưởi ấm trong lúc chờ có khách, mặc áo mưa hoặc… liên tục vận động cho nóng người là những “chiêu” mà những người bán hàng vận dụng để chống chọi với cái rét.



Nón và khẩu trang là hai phụ kiện không thể thiếu trong những ngày này 



Tấm áo mưa mỏng manh được dùng thay áo rét 



"Con đường hoa" Thụy Khuê những ngày rét mướt cũng vắng hoe. Người phụ nữ này hy vọng, ít người cạnh tranh, chị sẽ dễ bán hàng hơn. 

Bữa trưa của chị là một chiếc bánh khoai. Không chịu nổi cái gió của Hồ Tây, chị phải “thủ” sẵn củi để sưởi ấm. Hoa bán rất chậm, nhưng chị không dám nghỉ một buổi chợ nào. Nghỉ chợ, đồng nghĩa với việc chị sẽ mất tiền ăn, tiền thuê nhà cả ngày mà chẳng thu lại được xu nào.



Một đốm lửa nhen vội vàng tạm ấm lòng ngày đông giá

Trong cái rét mỗi lúc một “ngọt” hơn, ở góc đường Bùi Thị Xuân, tiếng rao buồn bã vẳng ra từ chiếc loa rè như lọt thỏm vào tịch mịch: “Xôi lạc, bánh khúc đây. Ai xôi lạc, bánh khúc đây”… Những tiếng rao khi mờ khi tỏ, hòa với tiếng xích xe đạp lách cách như rã rời, lẫn trong màn đêm rét buốt, nghe sao não nuột.



Chiếc xe cà tàng, chõ xôi và chiếc áo mưa là "bạn đồng hành" của anh Đạt mỗi tối mưu sinh

Anh Đạt (27 tuổi), quê ở vùng chiêm trũng Thanh Liêm, Hà Nam, đã 5 năm bán xôi lạc, bánh khúc, vừa bán hàng cho khách, vừa mau miệng tâm sự: “Ở quê hay ngập lụi, không trồng cấy được mấy, hai vợ chồng tôi lên Hà Nội kiếm sống. Con lớn đã 3 tuổi, tôi gửi về quê nhờ ông bà nội trông nom, còn đứa bé mới 7 tháng tuổi sống cùng ở với chúng tôi ở nhà thuê tại Lĩnh Nam, Hoàng Mai.”



Dù trời rét đến đâu, anh cũng cố đi bán hàng

Đều đặn mỗi ngảy, anh Đạt đạp xe long dong khắp các nẻo đường thành phố, từ 21giờ tối đến khoảng 3 giờ sáng hôm sau mới về nhà. Về đến nhà, anh lại lao vào nặn và đồ xôi, làm bánh khúc cùng vợ. Đến 5 giờ sáng, vợ anh lại đạp xe ra khu vực chợ đầu mối phía Nam bán hàng. Chiều, hai vợ chồng lại tiếp tục “chiến đấu” với mẻ bánh tiếp theo. Hai vợ chồng phải “chia ca”, một người đi bán thì một người ở nhà, vì còn phải trông con nhỏ.



Trời càng rét, anh càng dễ bán hàng

Mỗi chõ bánh, nếu bán hết, họ thu về khoảng 150.000 đồng . Trừ đi chi phí ăn ở, điện nước, nếu may mắn em bé không ốm đau, anh chị gửi được về quê khoảng 3 – 4 triệu đồng. “Chỉ mong không đau ốm gì để còn đi bán hàng đều đặn. Rét mướt thế này, khổ thì khổ thật, nhưng chịu khó đi muộn muộn, vào sâu trong các ngõ ngách, dễ gặp khách hơn.” – anh Đạt thổ lộ.

Đêm về khuya, phố xá càng vắng vẻ, trời càng lạnh hơn. 23 giờ đêm, ông già sửa xe ở góc công viên Thống Nhất vẫn cố nấn ná chưa dọn hàng. Ông bảo, thể nào lát nữa mấy cô buôn đồng nát về muộn cũng tạt qua bơm xe.



Gần nửa đêm, ông cụ độc thân mới lục tục dọn đồ về


Ông cụ đến từ Thiên Thai, Bắc Ninh, cho biết, ông sống một mình và đã sửa xe ở góc công viên hơn 20 năm rồi. Thủng thẳng gom đồ nghề trong ánh đèn đường vàng vọt, co ro trong lần áo mỏng, ông cụ ngót 70 tuổi quay sang than vãn với bác xe ôm đứng gần đó: “Sao mà năm nay rét thế! Chẳng biết còn rét đến bao giờ, bác nhỉ?”



Gắn bó với vỉa hè công viên Thống Nhất ngót hai chục năm, ông bảo, mùa đông năm nay khắc nghiệt hơn những năm trước




Đang dọn hàng dở, ông vẫn vui vẻ sửa xe cho vị khách muộn mằn

Đến lượt mình, bác xe ôm cũng chép miệng: “Từ tối đến giờ con cũng chưa được cuốc nào đây. Đợt này rét dai quá, mấy con bé (gái mại dâm – PV) ở hồ Thiền Quang cũng ế, chứ chúng nó mà có khách, con cũng được vài chục rồi.”



"Cầu cho mấy hôm nữa ấm lên, chứ rét thế này, tôi chẳng có khách đi xe" 


Quay sang chúng tôi, bác bảo: “Tôi ngày xưa cũng là thợ xây, nhưng giờ yếu sức rồi, không đi theo bọn thợ trẻ được nữa nên chạy xe ôm. Thuê chỗ ngủ mỗi đêm mất 15.000 đồng mà chưa kiếm được đồng nào, chắc ngày mai phải ra sớm để kiếm khách bù thôi.” Rồi bác thở dài thườn thượt, bỏ lửng câu nói: “Ai ở quê cũng tưởng Hà Nội dễ kiếm tiền, nhưng…”


"Trời rét, người lên Bờ Hồ chơi thưa hơn, mãi mà tôi vẫn chưa bán hết ngô"


Giữa nhiệt độ 8, 9 độ C , người phụ nữ này vẫn bám trụ với đường phố 



Khi phố xá còn say ngủ, nhiều người đã bắt đầu ngày lao động của mình 

Cuộc sống của những người lao động nhập cư vốn đã bấp bênh, nay lại càng khó khăn hơn giữa trời đông giá. Chính khát vọng sống và tinh thần hăng say lao động, niềm tin vào tương lai mới là ngọn lửa sưởi ấm họ giữa những ngày rét buốt này, chứ không phải những tấm áo mỏng manh mà họ đang khoác trên người.

Theo Afamily